Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, đây là bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời gian trong năm. Bệnh thường xảy ra sau khi bơi ở các bể bơi mà điều kiện vệ sinh nguồn nước trong bể không đảm bảo yêu cầu. Bệnh thường gặp nhất vào mùa đông xuân và mùa hè . Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% chủ yếu là viêm giác mạc. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.
1. Nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra. Nhóm vi khuẩn thường gặp là Haemophilus influenzae …Nhóm vi rút bao gồm Adeno và Entrro. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần tiếp theo.
- Do thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
2. Đường lây truyền:
- Qua chất tiết của mắt (Dử mắt)
- Qua đồ dùng chung như khăn mặt, chậu rửa mặt, chăn, màn, gối….
- Qua nước bị nhiễm khuẩn (Nước hồ, nước ao, nước bể bơi).
- Qua người sống chung cùng nhà, học cùng lớp, cùng trường đã bị nhiễm bệnh.
3. Triệu chứng:
- Thời gian từ khi bị nhiễm đến khi phát bệnh là 3 ngày với các triệu chứng sau:
- Đỏ mắt, ngứa rát cộm mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt, chảy nước mắt.
- Chảy nước mắt, nhiều dử mắt nhất là lúc mới ngủ dậy.
- Đỏ mắt, vùng mi mắt hơi sưng nề.
- Ngoài ra còn có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau.
4. Diễn biến
- Các triệu chứng trên thường rầm rộ khoảng 3 ngày đầu sau giảm dần, thoái lui sau khoảng 10 ngày, đại đa số lành tính, ít để lại di chứng.
- Một số ít có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có dịch màu hồng...) đau kéo dài có khi hàng tháng nếu không được bóc giả mạc
- Một số có thể có biến chứng Viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực.
- Viêm kết mạc trên người bệnh có các bệnh mạn tính khác về mắt như: mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo...sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm;
- Bệnh thường bắt đầu một mắt sau đó lây sang mắt thứ 2 trong vòng vài ngày.
5. Phòng bệnh đau mắt đỏ:
- Luôn vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, cá nhân nhất là hai bàn tay.
- Khi ra ngoài nên đeo kính, đeo khẩu trang để hạn chế khói bụi.
- Dùng nước muối sinh lý để rửa mắt nhất là đối với gia đình có người thân bị đau mắt.
- Tại trường mầm non Hạ Lý các con được phòng bệnh “Đau mắt đỏ” như sau:
+ Mỗi cháu có đồ dùng cá nhân riêng có ký hiệu (Khăn mặt, khăn lau tay, gối, bát, cốc, thìa…)
+ Các con được rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chơi, khi tay bẩn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
+ Khăn rửa mặt của các con hằng ngày đều phải được giặt sạch bằng xà phòng, phơi ra nắng, hàng tuần phải luộc sôi từ 1-2 lần.
+ Các con được cô giáo hướng dẫn các con cách rửa tay, không dụi tay lên mắt, hắt hơi phải quay ra ngoài che miệng… Khi ra ngoài phải đeo kính và khẩu trang.
6. Điều trị bệnh đau mắt đỏ:
- Phải cách ly người bệnh, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, bát thìa, gối, đeo khẩu trang khi giao tiếp hạn chế đến nơi đông người.
- Tập trung điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Nên nghỉ ngơi tại nhà từ 5-7 ngày để bệnh nhân mau hồi phục và tránh lây lan sang người khác.
- Sau khi chăm sóc người bệnh phải rửa tay bằng xà phòng. Khi bệnh nhân khỏi bệnh phải vệ sinh đồ dùng cá nhân sạch sẽ tránh tái nhiễm lại.
Trên đây là những thông tin cần thiết về dịch bệnh đau mắt đỏ. Cán bộ giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh cần lưu ý chăm sóc tốt cho trẻ tránh để trẻ mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng.